Cuộc sống ban đầu Diêm Tích Sơn

Tuổi trẻ

Diêm Tích Sơn sinh vào cuối thời nhà Thanh ở miền Tây Bắc tỉnh Sơn Tây trong một gia đình nhiều đời kinh doanh ngân hàng và buôn bán (Sơn Tây nổi tiếng là có nhiều nhà ngân hàng thành đạt cho tới tận cuối thế kỷ thứ XIX). Chàng trai trẻ làm việc trong ngân hàng của cha mình vài năm trong lúc theo học giáo dục Nho giáo truyền thống tại một trường làng. Sau khi cha ông phá sản trong một cuộc suy thoái kinh tế vào cuối thế kỷ XIX, Diêm Tích Sơn vào học tại một trường quân sự tại Thái Nguyên do chính quyền Đại Thanh điều hành và tài trợ. Trong thời gian học tập tại trường, Diêm Tích Sơn lần đầu tiên được tiếp xúc với toán học, vật lý, và những môn học phương Tây khác. Năm 1904, Diêm Tích Sơn theo lớp học sang Nhật Bản, nhập học tại Học viện Lục quân Đế quốc, và tốt nghiệp năm 1909.[2]

Trải nghiệm tại Nhật Bản

Khi học tập tại Nhật Bản, Diêm Tích Sơn rất ấn tượng với công cuộc hiện đại hóa thành công của Nhật Bản. Ông quan sát bước tiến của những cư dân Nhật Bản một thời bị xem là man di chậm tiến, và bắt đầu lo ngại về những hậu quả nếu Trung Hoa bị tụt hậu với thế giới. Những trải nghiệm này về sau trở thành niềm cảm hứng lớn cho những nỗ lực hiện đại hóa Sơn Tây của Diêm Tích Sơn.[2]

Sau cùng, Diêm Tích Sơn kết luận rằng người Nhật Bản có thể cải cách thành công chủ yếu là do Chính phủ Nhật Bản có thể huy động mọi nhân lực để phục vụ những chính sách của chính phủ, cũng như mối quan hệ gần gũi giữa giới quân sự và dân sự Nhật Bản. Diêm Tích Sơn cho rằng thắng lợi bất ngờ của Nhật Bản trong Chiến tranh Nga-Nhật năm 1905 là nhờ vào sự ủng hộ nhiệt tình của công chúng dành cho Quân đội Nhật Bản. Sau khi trở về Trung Quốc năm 1909, Diêm Tích Sơn viết một cuốn sách nhỏ cảnh báo rằng Trung Hoa đang cận kề nguy cơ bị Nhật Bản xâm chiếm trừ khi người Trung Hoa phát triển một dạng ý thức hệ tương tự như võ sĩ đạo.[3]

Thậm chí từ trước khi du học Nhật Bản, Diêm Tích Sơn đã chán ghét tình trạng tham nhũng tràn lan trong giới quan lại nhà Thanh tại Sơn Tây, và cho rằng sự bất lực của Trung Quốc trong thế kỷ XIX là kết quả của chính sách bảo thủ toàn diện cũng như đường lối đối ngoại bạc nhược của triều Thanh. Tại Nhật Bản, Diêm Tích Sơn gia nhập Đồng minh hội của Tôn Trung Sơn, và chủ trương tuyên truyền rộng rãi tư tưởng của Tôn Trung Sơn bằng cách thành lập một tổ chức lấy tên "Thiết huyết đoàn" bên trong Học viện Lục quân. Mục tiêu rõ ràng của tổ chức sinh viên này là phát động cách mạng để thiết lập một nước Trung Hoa hùng mạnh và thống nhất, giống như cách Otto von Bismarck thống nhất nước Đức.[3]

Trở về Trung Quốc

Khi trở về Trung Quốc năm 1909, Diêm Tích Sơn được bổ nhiệm là tư lệnh một sư đoàn tại Sơn Tây[4] song bí mật hoạt động nhằm lật đổ triều Thanh.[5] Trong Cách mạng Tân Hợi 1911, Diêm Tích Sơn chỉ huy lực lượng cách mạng địa phương đẩy quân Thanh khỏi tỉnh, rồi tuyên bố độc lập khỏi triều Thanh (ngày 29 tháng 10[6]). Diêm Tích Sơn biện minh cho hành động của mình bằng việc công kích sự bạc nhược của nhà Thanh trước sự xấm lấn của ngoại bang, và hứa hẹn sẽ tiến hành cải cách chính trị xã hội sâu rộng.[4]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Diêm Tích Sơn http://books.google.ca/books?id=ib-sEZzxkb4C&pg=PA... http://books.google.ca/books?id=rfu-hR8msh4C&pg=PA... http://books.google.ca/books?id=rsLQdBUgyMUC&print... http://www.time.com/time/covers/0,16641,19300519,0... http://www.time.com/time/magazine/article/0,9171,7... http://www.time.com/time/magazine/article/0,9171,9... http://tw.myblog.yahoo.com/lulu-lisa/article?mid=1... http://aleph.nkp.cz/F/?func=find-c&local_base=aut&... http://catalogue.bnf.fr/ark:/12148/cb162350005 http://data.bnf.fr/ark:/12148/cb162350005